Tham khảo bài viết “Về hành vi quan hệ tình dục khác trong các tội phạm về tình dục” của Tạp chí Tòa án.

Luật Landlaw xin được phép trích dẫn Bài báo của Tạp chi tòa án, bài viết của TS. MAI BỘ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân) – “Hành vi quan hệ tình dục khác” không phải là hành vi hiếp dâm hoặc cưỡng dâm. Việc quy định và xử lý về hình sự người thực hiện “hành vi quan hệ tình dục khác” về tội hiếp dâm hoặc cưỡng dâm mới chỉ đúng người mà chưa đúng tội nên cần quy định một tội phạm mới là “Tội dâm ô đối với người khác”.

1. Quy định không đúng bản chất của hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm

Tình dục (nhu cầu tình dục và khả năng giải quyết nhu cầu tình dục) là khả năng vốn có của mỗi con người có cơ thể phát triển bình thường về sinh học. Quyền thỏa mãn nhu cầu tình dục của mỗi con người thuộc phạm trù quyền con người. Tuy nhiên, việc thỏa mãn nhu cầu tình dục của mỗi con người lại bị giới hạn bởi pháp luật. Theo đó, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm[1].

Việc thỏa mãn nhu cầu tình dục của mỗi con người với người khác thông qua quan hệ xã hội về tình dục, luôn được thực hiện bởi hành động giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác. Quan hệ xã hội về tình dục luôn luôn là quan hệ hai phía, là người giải quyết nhu cầu tình dục của mình và người đáp ứng (phải hoặc buộc phải đáp ứng) người khác giải quyết nhu cầu tình dục hoặc cả hai phía đều là người giải quyết và đáp ứng nhu cầu tình dục của nhau. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn có trường hợp xuất hiện người thứ ba là người giúp người khác giải quyết nhu cầu tình dục hoặc môi giới cho cả hai phía giải quyết và đáp ứng nhu cầu tình dục của nhau. Việc phân vai các chủ thể trong quan hệ xã hội về tình dục có ý nghĩa rất lớn đối với việc quy định trong luật hình sự về các tội phạm liên quan đến tình dục.

Việc pháp luật hình sự quy định các tội phạm liên quan đến tình dục không chỉ bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về tình dục của con người mà còn bảo vệ thuần phong, mỹ tục, nhân phẩm, danh dự của con người trước hành vi nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người khác. Theo đó, quyền bất khả xâm phạm về tình dục là quyền của mỗi con người trong việc để cho người khác thỏa mãn nhu cầu tình dục bằng bộ phận sinh dục của mình. Hiện nay, Bộ luật hình sự đánh đồng hai khái niệm giao cấu và hành vi dâm ô trái ý muốn của người khác. Theo đó, hành vi dâm ô trái ý muốn của người khác bị coi là “hành vi quan hệ tình dục khác” cho nên quy định là tội phạm không đúng bản chất của hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm.

2. Phân biệt hiếp dâm, cưỡng dâm với dâm ô

Bản chất của hành vi hiếp dâm và cưỡng dâm đều là hành vi giao cấu trái ý muốn của người khác và thuộc nội hàm của khái niệm “quan hệ tình dục”. Tuy nhiên, về hình thức thì cưỡng dâm được thực hiện khi người bị cưỡng dâm miễn cưỡng để cho người khác giao cấu. Về bản chất sinh học, thì hiếp dâm và cưỡng dâm đều là hành vi thỏa mãn nhu cầu tình dục bằng cách xâm nhập bộ phận sinh dục của mình vào bộ phận sinh dục của người khác. Cũng xuất phát từ bản chất sinh học của con người, chúng tôi đồng tình với quan điểm chủ thể thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn (hiếp dâm và cưỡng dâm) là nam giới và hướng dẫn “Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của BLHS là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào”[2]. Cho nên, chỉ có hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm và giao cấu với người dưới 13 tuổi mới là hành vi xâm hại tình dục.

Còn hành vi thỏa mãn nhu cầu tình dục bằng hình thức sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào đều là hành vi dâm ô với người khác. Bởi lẽ, các hành vi này không thuộc bản chất sinh học của hành vi quan hệ tình dục là giao cấu nhưng cũng làm cho người thực hiện hành vi đó thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình. Mặc dù không phải là hành vi “quan hệ tình dục – hiếp dâm, cưỡng dâm” nhưng những hành vi này luôn có tính chất nguy hiểm cho xã hội vì có thể truyền bệnh tật, xâm phạm nhân phẩm, dannh dự, thuần phong, mỹ tục cho nên cần phải xử lý bằng hình sự.

Việc BLHS đánh đồng hai khái niệm “quan hệ tình dục – hiếp dâm, cưỡng dâm” và “dâm ô” trái ý muốn của người khác dẫn tới sự trùng lẫn trong việc hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS về các tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Bởi lẽ, theo quy định tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01 tháng 10 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán TANDTC Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, thì:

– Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác bị coi là hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141 “Tội hiếp dâm”, khoản 1 Điều 142 “Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, khoản 1 Điều 143 “Tội cưỡng dâm”, khoản 1 Điều 144 “Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi” và khoản 1 Điều 145 “Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dực khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi” của BLHS.

– Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi…) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi là hành vi dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 “Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” của BLHS.

3. Về chủ thể quan hệ xã hội về tình dục

Theo chúng tôi, quan hệ xã hội về tình dục, thì người giải quyết nhu cầu tình dục của mình (bằng hành vi nguy hiểm cho xã hội) luôn là người thực hành; người đáp ứng (phải hoặc buộc phải đáp ứng) người khác giải quyết nhu cầu tình dục là người bị xâm hại. Trường hợp cả hai phía đều là người giải quyết và đáp ứng nhu cầu tình dục của nhau một cách tự nguyện hoặc một bên giải quyết nhu cầu tình dục và bên còn lại đáp ứng nhu cầu tình dục của người khác một cách tự nguyện, thì tùy vào độ tuổi của mỗi bên để tội phạm hóa hành vi giải quyết nhu cầu tình dục. Tuy nhiên, nếu người giải quyết và người đáp ứng nhu cầu tình dục của người khác một cách tự nguyện đều đã dủ 18 tuổi, thì không bị coi là phạm tội.

Đối với người thứ ba là người giúp người khác giải quyết nhu cầu tình dục hoặc môi giới cho cả hai phía giải quyết và đáp ứng nhu cầu tình dục của nhau, thì tùy vào mức độ tham gia của người đó vào quan hệ tình dục giữa hai người mà quy định trách nhiệm hình sự của họ. Theo đó, nếu trực tiếp giúp đỡ bằng cách khống chế, giữ chân, giữ tay người bị xâm hại để người giải quyết nhu cầu tình dục thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của người bị xâm hại, thì sẽ bị coi là đồng phạm trong vụ án hình sự về tội hiếp dâm; Nếu chỉ làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt cho hai bên gặp nhau để người giải quyết nhu cầu tình dục và người đáp ứng người khác giải quyết nhu cầu tình dục, thì chỉ bị coi là môi giới. Khi đó, người môi giới chỉ bị coi là phạm tội khi làm trung gian cho hai bên gặp nhau để thực hiện hành vi mua bán dâm.

4. Hành vi quan hệ tình dục khác

Các tội phạm liên quan đến quan hệ tình dục được quy định trong BLHS gồm: Tội hiếp dâm; Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Tội cưỡng dâm; Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dực khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm; Tội môi giới mại dâm; Tội mua dâm người dưới 18 tuổi. Theo đó, “hành vi quan hệ tình dục khác” được quy định là hành vi khách quan của Tội hiếp dâm (Điều 141), Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), Tội cưỡng dâm (Điều 143), Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 145), Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 145).

Như đã trình bày, thì điểm chung nhất thuộc về bản chất sinh học của “hành vi quan hệ tình dục khác” được quy định tại các điều luật này là hành vi thỏa mãn nhu cầu tình dục bằng hình thức sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào mà không phải là hành vi thỏa mãn nhu cầu tình dục bằng cách xâm nhập bộ phận sinh dục của mình vào bộ phận sinh dục của người khác. Cho nên, “hành vi quan hệ tình dục khác” không phải là hành vi hiếp dâm hoặc cưỡng dâm. Việc quy định và xử lý về hình sự người thực hiện “hành vi quan hệ tình dục khác” về tội hiếp dâm hoặc cưỡng dâm mới chỉ đúng người (đáp ứng yêu cầu xử lý về hình sự) mà chưa đúng tội (xét về bản chất hành vi khách quan cũng như đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận sinh dục và quyền bất khả xâm phạm về tình dục của con người). Để khắc phục những hạn chế, bất cập (nêu trên), chúng tôi đề nghị:

– Thứ nhất, bỏ cụm từ “hành vi quan hệ tình dục khác” tại khoản 1 của các điều 141, 142, 143, 144, 145 BLHS và tên tội danh cũng như khoản 1 Điều 145 BLHS;

– Thứ hai, quy định một tội phạm mới là “Tội dâm ô đối với người khác”. Theo đó, tội dâm ô đối với người khác là hành vi: (1) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác thực hiện hành vi dâm ô trái với ý muốn của họ; (2) Dùng mọi thủ đoạn khiến người đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng thực hiện hành vi dâm ô đối với mình.

Hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi bị coi là phạm tội mà không cần phải có thủ đoạn nào và có thể quy định là một phần của tội dâm ô với người khác như kỹ thuật lập pháp ở khoản 4 của Điều 141 và 143 BLHS.

BÀI VIẾT MỚI NHẤT: