Các trường hợp được sử dụng vũ khí thô sơ? Xử lý hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí thô sơ?

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (sửa đổi 2019), vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.

Vũ khí thô sơ được trang bị cho các đối tượng sau (Điều 28 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (sửa đổi 2019))

– Quân đội nhân dân;
– Dân quân tự vệ;
– Cảnh sát biển;
– Công an nhân dân;
– Cơ yếu;
– Kiểm lâm, Kiểm ngư;
– An ninh hàng không;
– Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan;
– Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;
– Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí thô sơ đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, Cơ yếu và câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí thô sơ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Các trường hợp được sử dụng vũ khí thô sơ

Người được giao vũ khí thô sơ khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (sửa đổi 2019) và được sử dụng trong trường hợp sau đây:

– Trường hợp quy định tại Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (sửa đổi 2019);

– Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác;

– Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.

Khi đó, người được giao sử dụng vũ khí thô sơ không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng vũ khí thô sơ đã tuân thủ quy định và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trong trường hợp sử dụng vũ khí thô sơ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng vũ khí thô sơ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

(Điều 31 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (sửa đổi 2019))

Xử lý hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí thô sơ

1. Xử phạt vi phạm hành chính hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí thô sơ

Các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến vũ khí thô sơ sẽ bị xử phạt với các mức phạt sau:

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm mất vũ khí thô sơ được trang bị.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

+ Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ;

+ Chiếm đoạt vũ khí thô sơ.

(Theo điểm b khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều 7, điểm g khoản 3 và điểm a, b khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

2. Xử lý hình sự hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí thô sơ 

Người nào có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ được quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cụ thể như sau:

* Khung 1

Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ mà thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi: chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ.

– Đã bị kết án về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

* Khung 2

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

– Có tổ chức;

– Vật phạm pháp có số lượng lớn;

– Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

– Làm chết người;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

– Tái phạm nguy hiểm.

* Khung 3

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

– Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

– Làm chết 02 người trở lên;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

– Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.

* Hình phạt bổ sung

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

🌻🌻🌻Khi cần thực hiện dịch vụ, Quý Khách hàng liên lạc với Luật Landlaw Firm qua những phương thức tư vấn sau:

– Tư vấn qua điện thoại: Quý Khách hàng vui lòng gọi điện thoại đến số hotline: 1900.633.232 để được Luật sư tư vấn qua điện thoại.

– Tư vấn qua thư điện tử (email): Quý Khách hàng vui lòng gửi email cùng các hồ sơ, tài liệu liên quan (nếu có) đến địa chỉ thư điện tử tuvanluat.landlaw@gmail.com để được tư vấn, phản hồi qua thư điện tử.

Trân trọng!

Cảm ơn quý bạn đọc đã tin tưởng và sử dụng dịch vụ của Luật Landlaw, để tìm hiểu rõ hơn về pháp luật hình sự, bạn vui lòng gọi qua Tổng đài hỗ trợ 1900.633.232 để được tư vấn.