Tư vấn về quyền sở hữu nhà ở? Ai được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

Luật Landlaw xin tư vấn một vài vấn đề liên quan đến quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định Luật nhà ở năm 2014 như sau:

I. Ai được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

  1. Căn cứ pháp lý: Điều 7 Luật Nhà ở 2014 quy định đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

(1) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.

(2) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

(3) Tổ chức, cá nhân nước ngoài sau đây:

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và pháp luật có liên quan;

– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);

– Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

II. Quyền của chủ sở hữu nhà ở tại Việt Nam là gì?

  1. Căn cứ pháp lý: Điều 10 Luật nhà ở 2014 quy định:

Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền sau đây:

– Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;

– Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm;

– Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và pháp luật về đất đai;

– Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó;

– Sử dụng chung các công trình tiện ích công cộng trong khu nhà ở đó theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và pháp luật có liên quan.

Trường hợp là chủ sở hữu nhà chung cư thì có quyền sở hữu, sử dụng chung đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư và các công trình hạ tầng sử dụng chung của khu nhà chung cư đó, trừ các công trình được xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở;

– Bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và pháp luật về xây dựng;

– Được bồi thường theo quy định của luật khi Nhà nước phá dỡ, trưng mua, trưng dụng nhà ở hoặc được Nhà nước thanh toán theo giá thị trường khi Nhà nước mua trước nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai;

– Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu hợp pháp của mình và các hành vi khác vi phạm pháp luật về nhà ở.

Trường hợp thuộc diện sở hữu nhà ở có thời hạn theo quy định thì trong thời hạn sở hữu nhà ở, chủ sở hữu được thực hiện các quyền quy định trên, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; khi hết thời hạn sở hữu nhà ở theo thỏa thuận thì chủ sở hữu đang quản lý, sử dụng nhà ở phải bàn giao lại nhà ở này cho chủ sở hữu nhà ở lần đầu.

Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài thì có các quyền theo quy định tại Điều 161 Luật Nhà ở năm 2014.

Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi, mời quý bạn đọc tham khảo. Khi cần thực hiện dịch vụ, Quý Khách hàng liên lạc với Luật Landlaw qua những phương thức tư vấn sau:

– Tư vấn qua điện thoại: Quý Khách hàng vui lòng gọi điện thoại đến số hotline: 1900.633.232 để được Luật sư/ chuyên viên tư vấn qua điện thoại.

– Tư vấn qua thư điện tử (email): Quý Khách hàng vui lòng gửi email cùng các hồ sơ, tài liệu liên quan (nếu có) đến địa chỉ thư điện tử: tuvanluat.landlaw@gmail.com để được tư vấn, phản hồi qua thư điện tử.

– Đặt lịch hỗ trợ dịch vụ pháp lý: Quý khách vui lòng gọi điện thoại qua số 0983.957.940.